Cùng Vận Tải Miền Trung tìm hiểu về một khái niệm rất quen thuộc với mọi cả trong ngành lẫn ngoài ngành vận tải. Đó là khái niệm hàng hóa là gì? Một số cách phân loại hàng hóa, các tính chất và phương pháp chất xếp của một số loại hàng hóa
Mục lục bài viết
Hàng hóa là gì?
Khái niệm hàng hóa trong vận tải
Hàng hoá vận chuyển trong vận tải là tất cả các vật phẩm, thương phẩm, được các phương tiện vận tải tiếp nhận để vận chuyển dưới dạng có hoặc không có bao bì theo tập quán hàng hải quốc tế.
Hàng hoá trong vận tải được đặc trưng bởi các điều kiện vận chuyển như chế độ bảo quản , phương pháp đóng gói, phương pháp chuyển tải, phương pháp xếp dỡ, tính chất lý hoá của hàng,.….
Xem thêm: Vận tải là gì? Vai trò, ý nghĩa của ngành vận tải?
Các tính chất của hàng hóa
Nắm được tính chất của từng loại hàng giúp ta phân bổ hàng hợp lý lên xe, tổ chức xếp dỡ với các phương tiện và thời gian thích hợp và làm tốt công tác bảo quản hàng trong quá trình vận chuyển. Ta cần đặc biệt chú ý tới các tính chất sau đây của hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
- Tính chất vật lý của hàng: như tính di động, độ ẩm, nhiệt độ bốc hơi và đông kết, tính hút và tỏa mùi, nhiệt độ bắt lửa, tỷ trọng, thể tích riêng…
- Tính chất về hóa học của hàng như sự oxy hóa, tính độc, tính nổ, thành phần hóa học của hàng….
- Tính chất do thuộc tính sinh học của hàng hoá như sự lên men, ôi thối, mục nát, nảy mầm…
- Tính chất cơ học của hàng như sức chịu nén, kéo, độ bền, độ co giãn…
Phân loại hàng hóa
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật thì hàng hóa ngày càng nhiều và đa dạng. Có rất nhiều cách phân loại hàng hóa tuỳ theo mỗi một phương diện.
Trong vận tải việc phân loại hàng hóa là nhằm tìm ra các nhóm hàng có những đặc điểm gần với nhau để có các biện pháp phân bố, xắp xếp và bảo quản hợp lý trong quá trình vận chuyển.
Phân loại theo tính chất lý hóa của hàng
Theo tính chất lý hóa của hàng ta có thể liệt kê ra đây rất nhiều loại hàng nhưng gộp lại ta có thể phân thành ba nhóm hàng sau:
Nhóm hàng thứ nhất: Là nhóm hàng có tính xâm thực (các hàng trong nhóm này có khả năng làm ảnh hưởng tới các hàng hóa khác xếp gần chúng). Các loại hàng có tính hút và tỏa ẩm, một số loại hàng nguy hiểm, các loại hàng tỏa mùi (da thú ướp muối…) các loại hàng bay bụi…
Nhóm hàng thứ hai: Gồm các loại hàng chịu sự tác động của các loại hàng xếp trong nhóm thứ nhất khi xếp chung với chúng ở mức độ nhất định. Các loại hàng dễ hấp thụ mùi vị như chè, thuốc lá, đồ gia vị….
Nhóm hàng thứ ba: Gồm các loại hàng trung tính, đó là những loại hàng không chịu sự ảnh hưởng và không tác động xấu đến các hàng xếp gần nó. Các loại hàng trung tính như sắt thép, thép cuộn, thiết bị máy móc, ….. Sự phân loại hàng theo tính chất lý hóa của chúng giúp ta phân bổ hàng hợp lý ngăn ngừa được sự hư hỏng hàng do sự tác động qua lại giữa chúng với nhau.
Phân loại theo phương pháp vận tải
Phân loại hàng theo phương pháp vận tải nhằm để tổ chức đúng các quy trình vận tải và chuyển tải hàng.
Theo phương pháp này hàng được chia làm 3 nhóm:
Nhóm hàng bách hóa (general cargoes) (hàng tính theo đơn chiếc): Nhóm hàng này gồm các đơn vị hàng vận chuyển riêng rẽ có bao bì hoặc không có bao bì (kiện, bao, thùng, hòm, chiếc, cái…). Hàng bách hóa có thể được chở trên xe với một loại hàng hoặc nhiều loại hàng với các hình dạng bao bì khác nhau. Hiện nay hàng bách hóa có xu hướng đóng trong các Container và vận chuyển trên các xe Container.
Nhóm hàng chở xô (bulk cargoes): là hàng chở theo khối lượng lớn, đồng nhất, trần bì. Ví dụ: quặng, ngũ cốc, than chở rời… . Những loại hàng này khối lượng hàng thường xác định theo phương pháp đo mớn nước (giám định mớn nước) và thường được chở trên các xe chuyên dụng. Nhóm hàng chở xô được chia thành hai nhóm là nhóm hàng lỏng và nhóm hàng chất rắn chở xô.
Nhóm hàng vận chuyển đòi hỏi có chế độ bảo quản riêng: đó là những loại hàng do tính chất riêng của chúng đòi hỏi phải được bảo quản theo những chế độ đặc biệt quy định trong vận tải. Nếu không tuân theo những quy định này thì hàng sẽ bị hư hỏng hoặc gây nguy hiểm cho xe.
Kinh nghiệm chất xếp hàng hóa an toàn
Kiểm tra chỗ chất hàng hóa trên phương tiện
- Nơi chứa hàng khi vận chuyển phải được vệ sinh sạch sẽ đạt yêu cầu đối với từng loại hàng
- Kiểm tra chỗ chất xếp phải khô ráo, không bị thấm nước, rò rỉ..
- Các tấm phủ, bạt lót đảm bảo tiêu chuẩn
Chuẩn bị vật liệu lót
Đây cũng là một yếu tố khá quan trọng để có thể phòng ngừa được hư hỏng, thiếu hụt hàng hóa. Vật liệu đệm lót phải chuẩn bị đầy đủ, thích hợp đối với từng loại hàng và tuyến đường hành trình của tàu.
- Các vật liệu đệm lót phải đảm bảo cách ly được hàng với thành, sàn tàu và với các lô hàng với nhau và đảm bảo không để hàng bị xê dịch, trong quá trình vận chuyển.
- Trong một số trường hợp nếu điều kiện cho phép có thể dùng chính bản thân hàng hóa (các loại hàng chịu va chạm, đè nén, không vỡ…) để làm vật liệu chèn giữa các lô hàng khác với nhau nhưng phải đảm bảo không làm hỏng lô hàng chèn đó.
- Các vật liệu đệm lót thường là các loại bạt, chiếu cói, cót, giấy nylon, gỗ ván, gỗ thanh…
Phân bổ hàng hóa hợp lý trên container
Có thể diễn giải ra đây nhiều vấn đề nhưng tóm lại là đảm bảo sao cho mỗi loại hàng với tính chất cơ, lý, hóa, sinh của chúng được xếp vào những chỗ thích hợp để vận chuyển và không làm ảnh hưởng xấu đến các hàng hóa xếp quanh nó. Chẳng hạn như:
- Các loại hàng tỏa mùi mạnh (cá, da muối…) không nên xếp gần các loại hàng có tính hút mùi mạnh (như chè, thuốc, gạo, đường…)
- Các loại hàng tỏa ẩm (lương thực, hàng lỏng…) phải được xếp cách ly với các hàng hút ẩm (bông, vải, đường…)
- Các loại hàng tỏa bụi mạnh (như xi măng, phân chở rời, lưu huỳnh, tinh quặng…) không được xếp cùng thời gian với các loại hàng mà có thể bị hỏng bởi bụi (bông, vải, sợi…)
- Các loại hàng dễ cháy nổ cần xếp xa với các nguồn nhiệt như buồng máy, ống khói…
- Các loại hàng lỏng chứa trong thùng nên xếp vào các khoang riêng nếu xếp chung với các hàng khác thì nên xếp ở dưới cùng và sát về vách sau của hầm.
Phương pháp chất xếp một số loại hàng hóa
Giới thiệu một số kỹ thuật đóng hàng vào Container một số loại hàng hóa thông dụng
Chất xếp hàng thùng, kiện
Các hàng này thường có dạng khối vuông hoặc chữ nhật.
- Nên xếp vào những hầm vuông vắn để tận dụng dung tích và nâng cao hiệu suất xếp dỡ.
- Chiều cao chồng thùng nên xếp thích hợp đối với mỗi loại thùng.
- Các thùng to, nặng nên xếp dưới và ở giữa hầm, các thùng nhỏ xếp bên cạnh và lên trên.
- Giữa các thùng với nhau và với thành xe phải có kê, chèn thích hợp để tránh va đập, xê dịch.
- Thường các thùng được xếp chồng bằng thùng hoặc lệch thùng.
Chất xếp hàng bao
Thường là các loại ngũ cốc đóng bao như bột, đường…là những loại hàng mềm không bị hạn chế bởi kích thước, dễ xếp, nhược điểm là đa số các loại hàng này đều sợ ẩm nên phải có đệm lót tốt.
- Thường xếp theo phương pháp chồng bao, chồng nửa bao hoặc xếp cặp ba, cặp năm bao tuỳ theo mức độ cần thông gió nhiều hay ít và độ chắc chắn của đống hàng.
- Thường các bao được xếp dọc xe.
Chất xếp hàng thùng chất lỏng:
Các loại thùng đựng chất thông dụng:
- Thùng gỗ: Thùng rượu,..
- Thùng kim loại: Thùng phuy nhớt, phuy nhiên liệu,
- Thùng nhựa: Phuy hóa chất
Cách chất xếp các loại thùng đựng chất lỏng
- Với thùng gỗ: Nếu cửa mở ở đáy thì xếp quay đáy lên trên, nếu cửa mở ở giữa thì xếp ngang thùng cửa lên trên.
- Với thùng kim loại, nhựa: Xếp đứng thùng cửa quay lên trên.
Chất xếp hàng ống và thanh kim loại
Thường là các loại hàng: thanh ray, các loại đường ống, các thanh sắt, dầm sắt…
Yêu cầu xếp không được để hàng biến dạng, đây thường là các loại hàng nặng nên xếp ở dưới và xếp với các loại hàng nhẹ khác để tận dụng dung tích hầm.
Phương pháp xếp:
- Thanh ray:
- Xếp dọc xe
- Xếp ô vuông
- Đường ống có đầu loe: Xếp so le đầu đuôi.
- Các dầm, thanh sắt: Nên xếp dọc xe.
Bài viết trên đã chia sẻ với các khái niệm hàng hóa là gì, các phương pháp chất xếp và phân loại hàng hóa. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều bài viết hữu ích khác trong chuyên mục Tìm hiểu về Logistics của chúng tôi nhé!