Thị trường Logistics thế giới với những tiến bộ trong công nghệ, toàn cầu hóa, cải thiện hệ thống pháp luật và liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng đang định hình lĩnh vực logistics thế giới theo hướng tích hợp và hiện đại.
Mục lục bài viết
- 1 Tổng quan thị trường Logistics thế giới
- 2 Tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đến thị trường Logistics
- 3 Công nghệ tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường Logistics thế giới
- 4 Các xu hướng chính của thị trường Logistics thế giới
- 5 ĐỨC DUY TRÌ VỊ TRÍ SỐ 1 TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS NHỜ TIÊN PHONG VỀ CÔNG NGHỆ
Tổng quan thị trường Logistics thế giới
Do sự phức tạp đó nên các thống kê và đo lường về quy mô thị trường logistics thế giới vẫn chưa thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh có sự đan xen rất lớn giữa các loại hình logistics và tích hợp các hoạt động trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Theo số liệu công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới thì thị trường Logistics toàn cầu có quy mô khoảng 4,3 nghìn tỷ USD (1).
Trong khi đó, một số báo cáo nghiên cứu thị trường logistics của các hãng uy tín như Market Research, Technavio công bố các số liệu thấp hơn nhiều, khoảng 1 nghìn tỷ USD, do quan điểm thị trường dịch vụ logistics chỉ bao gồm các dịch vụ logistics chuyên nghiệp (2) .
Tỷ trọng thị trường Logistics (2018)
- Về mặt địa lý, châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 40% doanh thu (các con số được báo cáo bởi các công ty nghiên cứu thị trường khác nhau dao động trong khoảng 35-46%).
- Về thành phần các dịch vụ cấu thành thì vận tải chiếm tới 60% doanh thu logistics toàn cầu.
- Về thị trường dịch vụ logistics thì hiện nay chủ yếu là dịch vụ 3PL, tiếp theo là 4PL và xu hướng trong tương lai sẽ là dịch vụ 5PL với sự tích hợp các đơn hàng dịch vụ 3PL quy mô lớn.
- Về logistics theo lĩnh vực của nền kinh tế thì logistics ngành chế biến, chế tạo hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng logistics phục vụ phân khúc tiêu dùng cuối cùng sẽ có tỷ trọng lớn nhất trong tương lai gần.
Sự tăng trưởng sử dụng dịch vụ Logistics
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường Logistics thế giới trong những năm gần đây. Đầu tư đổi mới công nghệ trong Logistics tập trung vào thiết bị xử lý vật liệu tự động, GPS, phần mềm kiểm soát kho và sinh trắc học.
Các lĩnh vực sử dụng dịch vụ logistics trên quy mô lớn trên toàn cầu bao gồm: bán lẻ, sản xuất, truyền thông, giải trí, ngân hàng và tài chính, viễn thông và hoạt động của chính phủ (các tiện ích công cộng), trong đó sản xuất (chế biến, chế tạo) chiếm tỷ trọng lớn nhất do có chuỗi cung ứng dài nhất.
Tham khảo: Lịch sử các giai đoạn phát triển ngành Logistics
Tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đến thị trường Logistics
Logistics có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Thị trường logistics thế giới khởi đầu năm 2018 với nhiều tín hiệu khả quan nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và những dự án cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics xuyên quốc gia.
Trong nửa đầu năm 2018, dư địa từ tăng trưởng kinh tế năm 2017 thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư và logistics, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Quan ngại về chính sách thuế nhập khẩu tăng cao do xung đột thương mại lan rộng trong nửa cuối năm 2018 đã thúc đẩy các chủ hàng tranh thủ chốt các hợp đồng và giao hàng trong quí II/2018, dẫn đến sự tăng trưởng cả về vận chuyển đường thủy và đường hàng không. Tuy nhiên sau đó, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại lớn, tiêu biểu như Trung Quốc, EU đã tác động trực tiếp đến hoạt động logistics toàn cầu, mà trước hết là vận tải và kho bãi.
Rủi ro đối với các chuỗi cung ứng và hoạt động logistics có sự phân hóa giữa các khu vực địa lý trên thế giới. Ở châu Á – Thái Bình Dương, rủi ro hàng đầu là những cú sốc kinh tế do bảo hộ thương mại; ở Mỹ Latinh là tình trạng tham nhũng; ở Trung Đông và Bắc Phi là vấn đề khủng bố và ở vùng Hạ Sahara, cơ sở hạ tầng kém là những rủi ro và trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của dịch vụ logistics.
Công nghệ tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường Logistics thế giới
Lao động giá rẻ không còn là yếu tố chính trong việc xếp hạng các thị trường logistics mới nổi, thay vào đó các chuyên gia và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm hơn đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, khối lượng thương mại, vị trí, cơ sở hạ tầng giao thông và mức độ áp dụng công nghệ để đánh giá và quyết định đầu tư vào lĩnh vực logistics của một quốc gia.
Theo thông lệ hai năm một lần, tháng 7/2018 Ngân hàng Thế giới công bố Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018.
- Theo bảng xếp hạng năm nay, Đức được xếp là nước hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực logistics.
- Vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng LPI của các quốc gia được chia sẻ giữa Hà Lan và Thụy Điển, tiếp theo là Singapore và Bỉ, cũng bằng nhau trong bảng xếp hạng. Singapore là quốc gia không phải châu Âu duy nhất nằm trong top 5.
- Ngoài ra, top 20 chủ yếu bao gồm các nước châu Âu, chiếm 14 quốc gia. Các quốc gia khác trong top 20 là Nhật Bản, UAE, Canada và Australia.
- Đáng chú ý, Trung Quốc và Ba Lan là hai quốc gia có thứ hạng lần lượt 27 và 31. Tương tự, Kazakhstan xếp hạng 77 và Liên bang Nga xếp thứ 85, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xếp hạng lần lượt thứ 37 và 81.
- Mặc dù đang nắm giữ vị trí thứ ba, Bỉ đạt điểm cao nhất xét về vận chuyển hàng hóa quốc tế và tương đương với Đức về tính kịp thời. Ngoài ra, Thụy Điển và Hồng Kông (TQ) đạt điểm số tốt hơn so với Đức về vận chuyển quốc tế.
- Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Điều này phản ánh thực trạng về cải thiện năng lực của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics.
Các xu hướng chính của thị trường Logistics thế giới
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực logistics không chỉ làm thay đổi các danh mục dịch vụ logistics mà còn phân bổ lại các khu vực sản xuất thông qua sự thay đổi của các chuỗi cung ứng.
Tự động hóa cải tiến, tin học hóa và in 3D sẽ thay thế dần hoạt động sản xuất thâm dụng nhân công tại các thị trường đang phát triển, thế hệ nhà kho thông minh, tiết kiệm diện tích… cũng sẽ đưa hoạt động kho bãi quay trở lại các thị trường tiêu dùng cuối cùng.
Các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng Logistics toàn cầu và tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vận tải sẽ tiếp tục là các yếu tố chủ yếu dẫn dắt thị trường Logistics thế giới trong năm 2019.
Những nỗ lực áp dụng các giải pháp Logistics, đặc biệt là tại EU được kỳ vọng sẽ tạo ra những phân khúc mới trong thị trường Logistics thế giới.
(1) https://www.worldbank.org/en/news/infographic/2018/07/24/logistics-performance-index-2018
(2) Theo Armstrong & Associates, Inc. Databases tính toán số liệu từ IMF logistics chiếm khoảng 10,9% GDP thế giới, tương đương khoảng 7,5-8 nghìn tỷ USD trong năm 2016. Theo Allied Market Research, doanh thu logistics toàn cầu vào khoảng 8-9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, một số báo cáo nghiên cứu thị trường logistics của các hãng uy tín như Market Research, Technavio công bố các số liệu thấp hơn nhiều do quan điểm thị trường dịch vụ logistics chỉ bao gồm các dịch vụ 3PL, 4PL.
ĐỨC DUY TRÌ VỊ TRÍ SỐ 1 TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS NHỜ TIÊN PHONG VỀ CÔNG NGHỆ
Đức luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực logistics. Chỉ riêng năm 2012, vị trí này bị thay thế bởi Singapore- một trong những điểm sáng về logistics tại khu vực châu Á. Sau đó đến năm 2014, Đức quay trở lại vị trí đứng đầu thế giới về năng lực logistics và duy trì vị trí này đến nay (2018).
Với doanh thu hàng năm đạt 260 tỷ euro, quy mô thị trường logistics của Đức đứng đầu châu Âu và bằng với quy mô của hai thị trường logistics lớn thứ 2 và thứ 3 của châu Âu là Pháp và Anh cộng lại. Đức cũng là nền kinh tế số một tại châu Âu và lớn thứ 4 trên toàn thế giới, hàng năm tạo ra 3 nghìn tỷ đô la giá trị hàng hóa và dịch vụ. Đức là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới và cũng là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 3 thế giới.Đức hiện thuộc top đầu thế giới về đổi mới logistics, công nghệ và dịch vụ với gần 3 triệu lao động và khoảng 60.000 công ty trong ngành này.
Đức là nước xuất khẩu Intralogistics (3) lớn nhất thế giới với quy mô 13 tỷ Euro, tiếp theo là Trung Quốc với 10,1 tỷ euro và Hoa Kỳ 7,4 tỷ Euro.
Đức là nơi đặt trụ sở của các công ty logistics hàng đầu thế giới như Deutsche Post World Net, DHL, DB Schenker và Dachser.
Trong thực tế, lĩnh vực logistics của Đức ngày càng chịu sức ép cạnh tranh về chi phí nguồn nhân lực, đất đai… từ các thị trường lân cận có chi phí thấp hơn như Ba Lan. Tuy nhiên, sức ép lại chính là động lực cho sự đổi mới và tăng trưởng. Các giải pháp logistics sáng tạo, tự động hóa trong xử lý vật liệu, tính linh hoạt, tốc độ số hóa, trình độ vượt trội về quản lý kho và kiểm soát thời gian thực tại các nhà máy là một số xu hướng chuyển đổi quan trọng trên thị trường logistics của Đức.Các nhà cung cấp dịch vụ logistics cho hàng hóa đang mở rộng năng lực nhà kho và hệ thống kiểm soát có sự hỗ trợ của vệ tinh hành trình để đáp ứng việc giao hàng đúng thời hạn- một trong những nguyên tắc hàng đầu tạo ra sức mạnh kỷ luật của người Đức trong kinh doanh.
Đầu tư vào công nghệ là chìa khóa để Đức giữ được lợi thế cạnh tranh trong logistics, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều yếu tố nền tảng cho sức tăng trưởng của «lục địa già» đã bão hòa. Các dòng xe tự động không người lái, bán tự động, các thiết bị bay giao hàng không người lái và cần cẩu được số hóa sẽ tạo ra những thay đổi lớn về năng suất, tinh giảm chi phí nhân công trong bối cảnh giá nhân công tiếp tục tăng tại EU. Đức cũng là một trong những nước đi tiên phong trong hoạt động logistics ”xanh” và quản trị chuỗi cung ứng lạnh tại châu Âu (4)
(3) Intralogistics là tất cả những hoạt động logistics giới hạn trong khuôn khổ một nhà kho/ trung tâm phân phối/ trung tâm xử lý liên quan tới thiết kế, thực hiện, quản lý, giám sát và tối ưu hóa việc xử lý dòng nguyên vật liệu và thông tin tương ứng.
(4) https://www.businesswire.com/news/home/20180103005485/en/Germany-Transportation-Logistics-Market -Insights-2017-2025-Market
Theo BÁO CÁO LOGISTICS VIỆT NAM 2018 -BỘ CÔNG THƯƠNG
Serial: Tìm hiểu về Logistics