Trong năm 2018, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tuyến đường cao tốc, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; trong đó nhiều dự án được đầu tư theo hình thức BOT, giảm áp lực rất lớn cho nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Tiến độ xây dựng một số đoạn đường cao tốc tuyến Bắc Nam
Đặc biệt, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam được chia thành 11 đoạn, tuyến,trong đó 3 đoạn sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 đoạn đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Trong năm 2018, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2018 theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 120 km/giờ. Việc hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, mà quan trọng hơn là đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, kết nối các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng dọc tuyến và có ý nghĩa đặc biệt với phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Ngoài ra, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi còn góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông – Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.
Tháng 7/2018, dự án xây dựng mở rộng, hoàn chỉnh đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thành 6 làn xe giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên đến 4.737 tỉ đồng theo hình thức BOT cũng hoàn thành, góp phần giải toả được nút thắt vào cửa ngõ Hà Nội vốn thường xuyên ùn tắc xe qua trạm BOT, nâng cao tốc độ trung chuyển hàng hóa trên tuyến.
Bên cạnh đó, cùng với đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long đã đi vào khai thác từ tháng 9/2018 đã tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của vùng ven biển Miền Bắc, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc tới Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và các cảng quốc tế tại Hải Phòng. Tuyến cao tốc này là mắt xích quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đó cũng là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng, kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra sự kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.
Hiệu quả kinh doanh vận tải đường bộ ở Việt Nam
Hệ thống đường bộ Việt Nam hiện có tổng chiều dài 570.448 km, trong đó quốc lộ 24.136
km, đường cao tốc 816 km, đường tỉnh 25.741 km, còn lại là đường giao thông nông thôn
(Bộ GTVT, 2018).
Tuy nhiên, hiện nay chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Về thành phần cấu thành chi phí vận tải, theo số liệu từ doanh nghiệp vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%. Tùy theo từng doanh nghiệp vận tải và khu vực vận tải, tỷ lệ chi phí trên có thay đổi, nhìn chung chi phí BOT trên tuyến Bắc – Nam chiếm khoảng 15% tổng chi phí vận tải.
Tuy các tuyến đường bộ có thu phí BOT còn có một số tồn tại nhưng cần có nghiên cứu, đánh giá tổng thể toàn diện hơn, xét tới các yếu tố lợi ích do BOT đem lại như chất lượng vận tải cao hơn (tốc độ vận chuyển), giảm chi phí khai thác phương tiện…
Series Tìm hiểu về Logistics